CẨU TÍCH/ CU LY




CẨU TÍCH/ CU LY
Tình trạng: Còn hàng
Cẩu tích còn gọi là cây lông cu li, kim mao, cây lông khỉ, co cút pá (Thái), cút báng (Tày), nhải cù viằng (Dao), tên khoa học là Cibotium barometz (L.) J. Sm, thuộc họ Cẩu tích (Dicksomiaceae).
Cẩu tích là một loài cây dương xỉ, thụ trạng, cây có thân thường yếu, nhưng cũng có thể cao tới 2,5 - 3m. Lá lớn, có cuống dài 1 - 2m, màu nâu nhạt, ở phía gốc có vẩy hình dải rất dài, màu vàng và bóng, phủ dày đặc. Phiến dài tới 3m, rộng 60 - 80cm. Các lá lông chim ở phía dưới hình trái xoan-ngọn giáo, dài 30 - 60cm. Lá lông chim bậc hai có hình dải-ngọn giáo, nhọn, lại chia thành nhiều đoạn thuôn hẹp, mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt, trục lá không lông.
Cẩu tích là cây mọc hoang, phân bố rộng rãi ở miền núi, nơi đất ẩm, gần bờ khe suối ở ven rừng hoặc các trảng cây bụi to, từ Lào Cai, Hà Giang đến Quảng Nam, Lâm Đồng.
Người ta thu hoạch thân, rễ cẩu tích quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa thu - đông, để làm thuốc. Đem về cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo sạch lông vàng (cất riêng để làm thuốc), sau đó rửa sạch, thái phiến, phơi hoặc sấy khô rồi bảo quản nơi khô ráo để sử dụng. Khi dùng, thường tẩm với rượu, ủ qua đêm, sao vàng thơm. Tên dược liệu là Cẩu tích (Rhizoma Cibotii).
Hiện nay, người ta biết được thân rễ cẩu tích chứa tinh bột (30%) và chất Aspidinol. Lông vàng ở thân rễ có chứa tanin và sắc tố.
Theo Đông y, Cẩu tích có vị đắng ngọt, tính ôn, vào 2 kinh Can, Thận. Tác dụng bổ can, thận, làm mạnh gân xương, trừ phong thấp, chống viêm. Thường dùng điều trị đau lưng, mỏi gối do thận hư, phong hàn tê đau, nhức mỏi tay chân, khó cử động, đau thần kinh tọa, di tinh, bạch đới, đi tiểu són không cầm được ( Ở người cao tuổi), bí tiểu, tiểu rắt.
Ngày dùng 10 - 20g dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Những người có tình trạng thận âm hư sinh nội nhiệt, đi tiểu vàng sẻn, táo bón, thì không nên dùng cẩu tích.
Lông vàng (kim mao) quanh thân rễ cẩu tích có tác dụng cầm máu có tính cơ học bằng cách hút huyết thanh của máu và giúp cho sự tạo thành cục máu, làm cho máu chóng đông. Đông y sử dụng lông vàng cẩu tích để cầm máu bằng cách đem lông (đã rửa rượu, đem sấy sạch) đắp lên các vết thương chảy máu.
* Ghi chú: Hiệu quả của sản phẩm tuỳ thuộc vào thể trạng mỗi người.